Cập Nhật Thay Đổi Đáng Chú Ý Về Sử Dụng Lao Động Nước Ngoài Theo Nghị Định 70/2023/NĐ-CP

Ngày đăng: 15/04/2024



Nghị định 70/2023/NĐ-CP ban hành ngày 18/09/2023 đã có sự sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP liên quan đến những quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Sửa đổi yêu cầu đối với vị trí lao động nước ngoài

Nhằm tạo thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt nam sinh sống và làm việc, tại Khoản 1 Điều 1 Nghị Định 70/2023/NĐ-CP đã có sự thay đổi yêu cầu đối với các vị trí chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật:

  • Chuyên gia: Thay vì áp dụng theo nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định chuyên gia phải có bằng đại học đúng chuyên ngành dự kiến làm việc, thì kể từ ngày 18/09/2023, theo nghị định 70/2023/NĐ-CP, chuyên gia chỉ cần tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm việc tại Việt Nam.
  • Giám đốc điều hành: Theo quy định mới, giám đốc điều hành được định nghĩa với phạm vi rộng hơn bao gồm: Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp; Người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
  • Lao động kỹ thuật: Thay vì yêu cầu làm đúng chuyên ngành được đào tạo, chỉ cần được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm tại Việt Nam.

Cập nhật thay đổi đáng chú ý về sử dụng lao động nước ngoài theo nghị định 70 2023 NĐ-CP

Thay đổi thời hạn báo cáo nhu cầu sử dụng lao động

Quy định về thời hạn báo cáo nhu cầu sử dụng lao động đã được sửa đổi tại nghị định 70/2023/NĐ-CP từ ít nhất 30 ngày xuống còn ít nhất 15 ngày.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu về vị trí, chức danh, hình thức làm việc, số lượng, địa điểm làm việc thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng lao động.

Thay đổi thẩm quyền cấp phép lao động nước ngoài

Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp không còn trách nhiệm cấp giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận không thuộc diện miễn giấy phép lao động cho lao động nước ngoài. Cơ quan có thẩm quyền hiện nay là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp tỉnh.

Bổ sung trường hợp không phải báo cáo nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài

Theo nghị định 70/2023/NĐ-CP, có 06 trường hợp không cần làm thủ tục xác nhận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, bao gồm:

  • Là luật sư nước ngoài đã được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định.
  • Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
  • Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài.
  • Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
  • Tình nguyện viên làm việc tại Việt Nam theo hình thức tự nguyện và không hưởng lương để thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
  • Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận là người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các công việc: giảng dạy, nghiên cứu; làm nhà quản lý, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam.

Thực hiện tuyển dụng lao động trên cổng thông tin điện tử

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập trong thời gian ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Nội dung thông báo tuyển dụng bao gồm: vị trí và chức danh công việc, mô tả công việc, số lượng, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian và địa điểm làm việc.

Sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị ví tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định.

Tuyển dụng người lao động nước ngoài trên cổng thông tin điện tử

Được cấp giấy phép lao động bản điện tử

Nghị định 70/2023/NĐ-CP cho phép cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài là bản điện tử nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật liên quan và đáp ứng yêu cầu.

Thêm trường hợp lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động

Theo nghị định 70/2023/NĐ-CP, thêm 02 trường hợp lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc được miễn giấy phép lao động, bao gồm:

  • Người nước ngoài được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam làm nhà quản lý, giám đốc điều hành tại cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam.
  • Người nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để làm nhà quản lý, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, hiệu phó của cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam.

Phải báo cáo tất cả địa điểm làm việc của người nước ngoài

Trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều địa điểm thì trong văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động phải liệt kê đầy đủ các địa điểm làm việc.

Trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải báo cáo qua môi trường điện tử về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài đến làm việc.

Nghị định 70/2023/NĐ-CP

Bổ sung thêm trường hợp cấp lại giấy phép lao động

Người sử dụng lao động cần làm thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép lao động khi đổi tên doanh nghiệp mà không thay đổi mã số doanh nghiệp ghi trong giấy phép lao động còn thời hạn.

Trên đây là một số điểm mới nổi bật đáng chú ý trong nội dung Nghị định 70/2023/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung dựa trên những quy định của Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác tại trang web của Nhị Gia để nắm bắt kịp thời những thay đổi mới nhất của Chính phủ. Liên hệ ngay với đội ngũ chuyên viên tại Nhị Gia để được hướng dẫn chi tiết về việc xin cấp giấy phép lao động và những thủ tục có liên quan.

Đặt lịch tư vấn với các chuyên viên Nhị Gia qua các phương thức sau:

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ NHỊ GIA


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Đánh giá: 5/5 trong 500 Đánh giá