Nhiều công ty lo ngại về việc thuê chuyên gia người nước ngoài sẽ ngày càng khó khăn do yêu cầu phải có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc dự kiến.
Nghị định 152/2020 áp dụng từ ngày 15/02/2021 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thay thế cho Nghị định 11/2016 có một vài điểm thay đổi, bổ sung khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng chuyên gia nước ngoài.
Thông thường, các doanh nghiệp xin giấy phép lao động cho lãnh đạo nước ngoài của công ty họ thuộc diện "chuyên gia". Nhưng theo các doanh nghiệp, không phải CEO nào của họ cũng có bằng đại học đúng chuyên môn theo vị trí đang đảm nhận.
"Trong thời đại công nghiệp 4.0, những người nước ngoài giàu kinh nghiệm với kỹ năng không phải lúc nào cũng có bằng cấp hoặc bằng nghề phù hợp với công việc ở Việt Nam", Hiệp hội doanh nghiệp Canada tại Việt Nam (CanCham) nói yêu cầu này, cùng với việc chỉ công nhận kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài mà không công nhận kinh nghiệm làm việc tại chính Việt Nam trong hồ sơ đã gây "khó khăn hơn nhiều".
Một số phụ trách bộ phận nhân sự tại các công ty nước ngoài cũng bày tỏ khó khăn khi tìm cách hoàn thiện hồ sơ xin giấy phép lao động mới cho lãnh đạo và các nhân vật người nước ngoài chủ chốt tại công ty.
Nhân sự một công ty Nhật Bản cho biết: "Công ty chúng tôi có nhân sự quan trọng đã làm việc ở Việt Nam 30 năm. Nhưng sắp tới, giấy phép lao động cũ hết hạn thì chúng tôi không biết giải quyết phần đời còn lại của người này thế nào, vì không thể chứng minh kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài cho họ".
Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) phát biểu tại buổi đối thoại của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM với cộng đồng doanh nghiệp ngày 20/4: "Nghị định yêu cầu phải có văn bằng tương ứng với chức danh nhưng ngày nay các công việc liên thông, rất khó để cung cấp bằng cấp đúng vị trí nên chúng tôi nghĩ nên công nhận trình độ học vấn là được".
"Ngay tại Việt Nam, việc tốt nghiệp một ngành và đi làm ở một ngành khác là rất bình thường nên quy định như vậy là cứng nhắc. Liệu có cách nào linh động hơn không", Đại diện Techbase Việt Nam, một công ty con của Yahoo Nhật Bản đặt câu hỏi tại buổi đối thoại.
Theo bà Trúc Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cũng đã thu nhập ý kiến đóng góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để phản hồi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét. "Khi nào có văn bản hay thông tư mới hướng dẫn giản lược thủ tục thì mới áp dụng được, còn hiện tại vẫn phải theo đúng quy định của Nghị định 152" vị này lưu ý thêm.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2020, cả nước có khoảng 68.500 lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Trích nguồn: Vnexpress
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Visa Việt Nam với tổ chức nước ngoài (visa NN1, NN2, NN3)
- Visa SQ là gì? Đối tượng được cấp Visa Việt Nam ký hiệu SQ
- Trách Nhiệm Của Người Nước Ngoài Và Các Cơ Sở Lưu Trú Trong Việc Mời Bảo Lãnh Người Nước Ngoài
- Visa doanh nghiệp DN2: Đối tượng, điều kiện và thủ tục cấp visa
- Visa LĐ2 cấp cho trường hợp nào? Thủ tục gồm có gì?